Tiểu sử David Hume

Hume sinh ngày 26 tháng 4 theo lịch Julius, tức 7 tháng 5 năm 1711 theo lịch Gregory, tại Edinburgh. Trong suốt cuộc đời, thỉnh thoảng ông sống ở ngôi nhà gia đình tại Ninewells, Chirnside, Berwickshire. Ông được gia đình gửi vào Đại học Edinburgh khi mới 12 tuổi. Ban đầu, ông định theo nghề luật, nhưng rồi ông cảm thấy "một ác cảm không thể vượt qua đối với tất cả mọi thứ trừ việc theo đuổi triết học và sự Học nói chung".

Năm 1729, khi được 18 tuổi, ông đã có một phát kiến triết học mà nó đã mở ra cho ông "một màn mới của tư tưởng". Ông đã không thuật lại: đó là cái gì?, nhưng có vẻ như đó chính là thuyết nhân quả của ông - rằng niềm tin của ta vào nguyên nhân và kết quả phụ thuộc vào cảm tính, truyền thống và thói quen, chứ không phụ thuộc vào lý tính hay các quy luật tổng quát, phi thời gian và trừu tượng của thiên nhiên

Năm 1734, sau vài tháng ở Bristol, ông rút về để tự nghiên cứu và một mình thực hiện các thí nghiệm tư duy tại La FlecheAnjou, Pháp. Trong bốn năm ở đó, ông đã đặt ra kế hoạch của cuộc đời mình. Cũng trong thời gian đó, ông hoàn thành cuốn "A Treatise of Human Nature" (Một luận thuyết về bản chất con người) vào tuổi 26. Mặc dù ngày nay, nhiều học giả coi Luận thuyết là tác phẩm quan trọng nhất của Hume và là một trong các cuốn sách quan trọng nhất trong lịch sử triết học, ban đầu, công chúng ở Anh quốc không cho là như vậy. Sau khi Luận thuyết không được công chúng đón nhận, Hume viết An Abstract Of A book lately published; Entituled, A Treatise Of human nature, - Wherein The chief argument of that Book is farther illustrated and Explained với mục đích làm cho tác phẩm của mình dễ đọc hơn. Tuy nhiên, Luận thuyết vẫn không được quan tâm.

Sau khi xuất bản cuốn Essays Moral and Political (Các bài luận về đạo đức và chính trị) vào năm 1744, ông xin vị trí giáo sư môn luân lý học và tâm lý học tại Đại học Edinburgh nhưng bị từ chối. Trong cuộc nổi dậy Jacobite năm 1745, ông đã dạy Hầu tước Annandale. Đó là khi ông bắt đầu cuốn lịch sử đồ sộ của mình The History of Great Britain (Lịch sử Vương quốc Anh), cuốn sách được viết trong 15 năm và dài hơn một triệu từ, được xuất bản thành 6 tập trong thời kỳ từ 1754 đến 1762. Năm 1748 ông bắt đầu phục vụ 3 năm trong quân đội với vai trò thư ký của tướng St Clair và viết cuốn Philosophical Essays concerning Human Understanding (Các bài luận triết học về hiểu biết của con người), và sau được xuất bản với tên An Enquiry concerning Human Understanding (Một câu hỏi về hiểu biết của con người). Cuốn sách này cũng không thành công hơn Luận thuyết.

Hume bị buộc tội dị giáo nhưng ông đã được tuyên bố trắng án. Nhưng có lẽ do sự chống đối của Thomas Reid xứ Aberdeen, người mà năm đó đã đưa ra phê phán mạnh mẽ của Cơ Đốc giáo đối với lý thuyết siêu hình học của Hume, ông đã không nhận được vị trí giáo sư triết học tại Đại học Glasgow. Năm 1752, ông được nhận vào làm quản lý thư viện của Khoa Luật. Đây chính là nguồn tài liệu cho ông tiếp tục các nghiên cứu của mình về lịch sử.

Hume đạt được tiếng tăm lớn với danh nghĩa một nhà sử học và một người viết tiểu luận. Tác phẩm "Lịch sử Vương quốc Anh" (History of Great Britain) từ thời các vương quốc Saxon cho tới Cách mạng Anh 1688 đã là một trong các cuốn sách bán chạy nhất thời đó. Trong tác phẩm đó, Hume đã trình bày con người chính trị như là một sinh vật của thói quen, với một khuynh hướng yên lặng tuân theo chính phủ trừ khi gặp phải các tình huống không chắc chắn. Theo quan điểm của ông, chỉ có các khác biệt về tôn giáo mới có thể làm lệch hướng con người khỏi cuộc sống hàng ngày để nghĩ về các vấn đề chính trị.

Bài luận thời kỳ đầu của Hume "Về mê tín và tôn giáo" (Of Superstition and Religion) đã đặt nền móng cho hầu hết các tư tưởng thế tục về lịch sử tôn giáo. Ở thời của Hume, phê phán về tôn giáo phải được biểu đạt một cách cẩn trọng. Chưa đầy 15 năm trước khi Hume sinh ra, Thomas Aikenhead, một sinh viên 18 tuổi, đã bị xử vì đã công khai nói rằng Cơ Đốc giáo là thứ vô nghĩa. Anh ta đã bị kết án treo cổ vì tội báng bổ. Hume cũng theo cách thông thường, ông biểu đạt kiến giải của mình một cách mơ hồ, thông qua các nhân vật trong các đoạn hội thoại. Hume đã không thừa nhận là tác giả của "Luận thuyết" cho đến tận năm ông qua đời, năm 1776. Các bài luận của ông với tựa đề "Về việc tự vẫn" (Of Suicide), và "Về sự bất tử của linh hồn" (Of the Immortality of the Soul) và "Đối thoại về tôn giáo tự nhiên" (Dialogues Concerning Natural Religion) đã bị giữ không được xuất bản cho đến sau khi ông qua đời (được xuất bản lần lượt vào các năm 17781779), và khi đó chúng vẫn không mang cả tên tác giả lẫn tên nhà xuất bản. Trong việc ngụy trang quan điểm của chính mình, Hume đã tài tình đến nỗi ngày nay vẫn đang tiếp diễn các cuộc tranh luận về thực chất Hume là người vô thần hay Thần giáo tự nhiên.

Từ năm 1763 tới năm 1765, Hume là thư ký cho Huân tước Hertford tại Paris, nơi ông đã được Voltaire ngưỡng mộ và các quý bà trọng vọng. Ông đã kết bạn và sau đó bất hòa với Rousseau. Năm 1768, ông định cư tại Edinburgh. Sự quan tâm đến các tác phẩm triết học của Hume lên cao sau khi triết gia người Đức, Immanuel Kant, ghi nhận Hume đã đánh thức ông ra khỏi "giấc ngủ giáo điều" (khoảng năm 1770), và từ đó Hume đạt được sự thừa nhận của công chúng.

James Boswell đã đến thăm Hume một vài tuần trước khi ông qua đời. Hume nói với ông ta rằng ông thành thực tin rằng khả năng có cuộc sống sau cái chết là một "sự tưởng tượng vô lý nhất"[1]. Hume viết văn bia của chính mình: "Sinh năm 1711, Chết [----]. Phần còn lại để cho hậu thế viết thêm." Câu đó đã được khắc thêm năm mất của ông, 1776, lên một "ngôi mộ Roman đơn giản" mà ông đã yêu cầu. Ngôi mộ đứng trên sườn phía đông đồi Calton, nhìn về phía ngôi nhà của ông ở số 1 phố St David, New Town, Edinburgh, như ông đã mong muốn.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: David Hume //nla.gov.au/anbd.aut-an35213218 http://www.earlymoderntexts.com/f_hume.html http://aleph.nkp.cz/F/?func=find-c&local_base=aut&... //www.getty.edu/vow/ULANFullDisplay?find=&role=&na... http://plato.stanford.edu/archives/spr2001/entries... http://plato.stanford.edu/entries/hume-aesthetics/ http://plato.stanford.edu/entries/hume-moral/ http://plato.stanford.edu/entries/hume-religion/ http://plato.stanford.edu/entries/hume/ http://onlinebooks.library.upenn.edu/webbin/book/s...